Chủ Nhật, 21 tháng 11, 2010

Tìm hiểu về THƯ PHÁP

Thư pháp Việt là một lọai hình nghệ thuật chữ viết, sử dụng các ký tự Latinh với phương tiện cọ lông và mực Tầu để thể hiện.

Được chia ra là hai lối viết chính: Lối trúc và lối Mai
LỐI TRÚC: là lối viết mạnh mẽ rắn chắc các nét được viết to, mang thần sắc vốn dĩ của thư pháp Hán nhưng cũng không kém phần mềm mại uyển chuyển.




LỐI MAI: các nét chữ được viết mảnh mai từng nét chữ mềm mại thích hợp với cấu trúc của các ký tự Latinh đa số là những nét cong uốn lượng chứ không góc cạnh như chữ Hán.



Có người sử dụng cả hai lối này vào trong một tác phẩm, Lối Trúc được dùng cho chữ đại tự và lối Mai được dùng cho câu văn viết kèm.



Mỗi thư pháp gia có mỗi phong cánh và nét chữ hòan tòan khác nhau, mỗi người một vẻ. Nhưng được chia vào các thể chính như sau:
Điền , Họa , Thủy , Mộc , Phong , Dị .

ĐIỀN THỂ: là lối viết chữ Việt được sắp xếp thành từng khối vuông hay tròn, được ưa chuộng và khắc chạm trên các bức phù điêu... thường dùng cho những câu đối trong đền chùa...



HỌA THỂ: là một nghệ thuật viết chữ khéo léo có sắp xếp tính tóan sao cho từng đường nét chữ phối hợp thành những hình dạng mang ý nghĩa nhất định.



THỦY THỂ: là lối viết chữ nhái theo lối viết chữ Hán, chữ viết không ngang hàng mà được viết dọc xuống như nứơc đổ.



MỘC THỂ: là lối viết mộc mạc giản dị ngay hàng thẳng lối dễ đọc và dễ cảm nhận nhưng không kém phần bay bướm. Lối này được nhiều người ưa thích và thể hiện.



PHONG THỂ: là lối chữ viết nhanh trôi chảy. Khi đặt bút xuống là như một cơn bão quét qua không phút ngập ngừng. Nét chữ tuôn ra theo cảm hứng và quán tính vì thế đôi khi nét chữ không hòan chỉnh và hơi khó đọc nhưng vẫn dễ đọc hơn Dị thể.



DỊ THỂ: là lối viết chữ cá tính ngọn bút xuất phát từ cảm hứng cao độ, đường nét không theo chuẩn mực mà phóng bút tự do. Nét chữ không rõ ràng mà chỉ mang dáng dấp chính của con chữ, người thưởng ngoạn đôi khi cũng phải đóan để hiểu được nội dung.



Chú ý: ( chữ viết cho dù sáng tạo hoặc rắc rối cỡ nào nhưng điều quan trọng phải để ý đó là sự lầm tưởng, có những nét chữ khi tác giả trình bày, dĩ nhiên tác giả đọc được, nhưng phần đông người xem hay nhầm lẫn sang chữ khác vì sáng tạo đó vượt quá khuôn khổ.)

-Có Hai thể chữ cũng nên nói tới

THỂ LONG PHỤNG: là dạng chữ rong được viết bằng một bản gỗ nhỏ có răng cưa. Mỗi chữ được viết vẽ kèm theo những hình ảnh lạ mắt như rồng phụng hoặc các ông Phúc Lộc Thọ...



THỂ ÂM DƯƠNG: là dạng chữ ngược, nhìn vào trông như chữ Hán, muốn đọc thì phải quen lối viết và tưởng tượng ngựơc lại, hoặc nhìn ngược từ mặt sau tờ giấy không thì nhìn vào hình ảnh phản chiếu từ một tấm gương.



Kỹ thuật vận cọ: cũng theo phong cách Hán như:
Ức (nhấn mạnh xuống), Đôn (dè dặt), Tỏa ( sổ hạ xuống), Trì ( viết nét chậm lại), Tốc (viết nhanh), Hòan ( thả lại, hồi đầu), Khẩn (vung bút đột ngột), Khinh ( nhẹ nhàng lả lướt bay bỗng), Trọng ( nhấn điểm xuyến).

Một tác phẩm chuẩn mực cần phải hội đủ thêm các yếu tố sau:
Tâm, Ý, Trí, Khí.

TÂM: khi người viết đặt tâm hồn của mình vào con chữ. Đôi khi nhìn vào chữ viết của họ mình có thể đóan được cả tính cách và tâm hồn cũng như tâm trạng của người viết. Bị ảnh hưởng bởi (hỷ, nộ, ái, ố) cho nên khi viết cần phải tịnh tâm để tránh những tạp niệm ảnh hưởng tới nét chữ.

Ý: Là những gửi gắm của tác giả trong tác phẩm từ đường nét đến nội dung cũng như những hình ảnh minh họa kèm theo nếu có tạo chiều sâu cho tác phẩm.

TRÍ: Là phần khéo léo của tác giả khi xử lý nét chữ và sắp xếp bố cục cũng như trang trí cho tác phẩm. Sao cho thật sáng tạo và ấn tượng với những phong cách riêng để tác phẩm thêm bắt mắt và thu hút người thưởng ngoạn.

KHÍ: (Bút lực) Là kỹ thuật vận bút của người viết sao cho uyển chuyển, khi nhanh khi chậm khi đậm khi nhạt và dày mỏng sao cho nhịp nhàng và thanh thóat.

Một nét cọ căn bản được chia là các bước sau



Khởi bút, Hành bút và Thu bút.

Thường thì phần giữa sẽ nhỏ hơn hai phần đầu và, một nét chữ đã viết thì không được đồ đi đồ lại....



Thư pháp Việt chia làm các đường nét chính sau
NÉT TRỤ: là nét kéo thẳng đầy mạnh mẽ.




NÉT TẤN: là nét kéo ngang cũng đầy uy lực.



NÉT PHÁC: gồm các nét phác ngang, dọc, xéo...Khi viết thì khởi bút, hành bút nhưng không có nét dừng bút mà được kéo đi luôn.



NÉT VÒNG: là những nét khởi đầu và được kéo lại thành vòng nét cuối hướng về nét khởi đầu.

NÉT MÓC: là những nét được khởi bút móc vòng xuống nhưng cuối nét không hướng về nét khởi, và khi thu bút không dừng lại mà kéo bút lên tạo ra một đường nhọn cuối nét.





NÉT KÉO: là những nét mỏng kéo dài theo hướng ngang, dọc hoặc vòng.



NÉT LƯỢN: là ngững nét cong gọp lại theo đường gợn sóng.




NÉT SƯỚT: là những khỏang trống trong một nét chữ được tạo ra từ những sớ cọ. Có hai lọai nét sướt: nét sướt ngọn và nét sướt bụng.
.Nét sướt ngọn được tạo ra khi kéo ngang bằng ngọn bút và ngọn cọ được tách ra rõ ràng tạo nên nét sướt cũng rõ nét.
.Nét sướt bụng khi nét kéo ngang bằng bụng của ngọn bút .

Khi thưởng lãm một tác phẩm trước khi xét về đường nét và nội dung thì điểm đặc biệt thu hút và có bắt mắt người xem hay không là ở phần trang trí và bố cục tác phẩm. Bố cục thư pháp Việt không trình bày từng chữ từ trên xuống và từng cột như thư pháp Hán, ngọai trừ viết theo dạng đối.
Một tác phẩm viết tràng giang đại hải không ý tứ thì không được xem là một bố cục đẹp. Các chữ viết không được quá khít và cũng đừng quá thưa thớt lõng lẻo. Nét này phải tương quan và bổ sung cho nét kia tránh trùng lập lên nhau gây khó đọc. Các chữ thường liên kết với nhau và tạo thành những khối có kết cấu.

Chữ viết được sắp xếp theo nguyên tắc chữ Việt bình thường, đọc từ trái qua, và xếp hàng từ trên xuống. Chữ cái đầu câu phải viết hoa hoặc được nhấn đậm nét.
Trong tác phẩm thư pháp không nhất thiết chỉ có chữ cái đầu câu hay danh tánh... mới được viết hoa theo lệ, những chữ quan trọng mang ý chính của tác phẩm có thể viết nhấn mạnh đậm nét hoặc viết to để thể hiện rõ ý của tác phẩm.

Các dạng bố cục thường gặp như sau.

DẠNG THÁP: bố cục phần trên nhỏ và to ra phần chân như một ngon tháp tạo cảm giác bền vững.



DẠNG GIÁO: bố cục có dạng một mũi giáo, phần thân to và phần đầu và chân thì nhỏ.



DẠNG TRỤ: là viết theo lối thông thường các chữ cái đầu tiên xếp thành một hành thẳng



DẠNG CỤM: bố cục chia ra thành từng cụm từng khối nhỏ.



DẠNG ĐỐI: là dạng chữ viết từng chữ xếp thành một hàng thẳng xuống theo dạng liễn đối tiếng Hán.



ẤN CHƯƠNG: gồm ba lọai Nhân chương , Yêu chương, và Danh chương.



NHÂN CHƯƠNG: được nằm ở vị trí trên cùng của tác phẩm. Thường đại diện cho tên của một hội nhóm mà tác giả tham gia hoặc những biểu trưng đặc biệt. Cộng thêm điểm mốc thời gian của tác phẩm.

YÊU CHƯƠNG: được đóng vào giữa tác phẩm
DANH CHƯƠNG: được đóng ở cuối tác phẩm ngay chữ ký của tác giả.



Tùy theo bố cục của tác phẩm mà ấn chương được đóng ở đâu cho hợp lý nhất.

Để tôn trọng tác giả của câu văn, người viết thường phải viết tên tác giả đính kèm theo tác phẩm. Trong trường hợp không rõ tên tác giả thì dưới chữ ký của người viết phải kèm các chữ như: Thủ bút, cẩn bút, viết...với ý nghĩa người viết chỉ làm chủ tác phẩm về nét chữ và hình thức mà thôi.

CÁCH CẦM CỌ



Sao cho ngọn bút vuông góc với mặt phẳng của giấy. Theo lối viết chữ Hán ngày xưa thì họ viết chữ từ bên phải sang trái cho nên họ không được chạm tay vào giấy nếu không những nét chữ chưa khô sẽ bị lem khi tay quẹt vào. Nhưng chữ Việt thì không gặp vấn đề đó, cho nên cách cầm cọ thế nào chỉ thể hiện kiểu cách và công phu của người viết. Nhưng không bắt buộc phải nhấc tay hổng lên trên mặt giấy. có ba cách cầm cọ thường gặp:

ĐIỂM THỦ: người viết chống một ngón tay út chạm vào mặt giấy lấy điểm tựa.
TÌ THỦ: cạnh bàn tay tiếp xúc với mặt giấy như cách viết chữ bình thường
BỔNG THỦ: tay nhấc bổng lên theo lối thư pháp Hán.

(Sưu Tầm)

3 nhận xét:

  1. hay ! bài viết giúp chúng tôi tìm hiểu thêm kiến thức về nghệ thuật.

    Trả lờiXóa
  2. Cám ơn bài viết đã giúp người đọc mở rộng sự hiểu biết.

    Trả lờiXóa
  3. bài viết rất hay, giúp người đọc hiểu thêm về nghệ thuật thư pháp.

    Trả lờiXóa