Chủ Nhật, 21 tháng 11, 2010

Bài viết của bạn Linz trong ngày giao lưu Thư pháp xuân 2006 tại Thống Nhất giữa đại diện CLB Ngõ Hạnh & Nguồn Xưa

Ngõ Hạnh nhận được thư mời về Huyện tham gia giao lưu Thư Pháp Việt .Một cách tình cờ là lần nào Vũ cũng có mặt tiếp vị sứ giả - Ta tưởng rằng đó là một nghệ sỹ , hẳn rồi , nhưng sẽ dong dỏng cao , sẽ gân guốc , sẽ đồi mồi ...Khái thể như thế .Mãi chiều qua , khi hai đứa đem tác phẩm về dưới ấy , người cần gặp mới xuất hiện , dáng đi nhanh nhẹn , điệu bộ khẩn trương , tuyệt nhiên không vội vã .Tuổi có lẽ không già hơn chòm râu xuề xòa trước cằm , mái tóc xơ cước kiểu Bùi Giáng nhưng có phần đen và quăn hơn lúc BG về già .


Đó chính là Họa sỹ Lê Duy . 
Trưa nắng , con đường phía trước nhà văn hóa đang còn màu đất đỏ , bụi mù , mấy bác cháu kéo nhau đi cafe giải khát và phiếm . 
Lê Duy rất ưa nói chuyện , đặc biệt về cái nghề " chơi nghệ thuật " này .Ta cảm rằng cái tù và của bác tự sắm cho mình cũng đã tận tụy lắm , so với giới trẻ đa phần chỉ thích những bức chữ Việt khó hiểu khi lên giấy điệp thì đó quả là một đồ cổ (!) 
Phải không chê vào đâu được , cái sức khỏe dẻo dai của người nghệ sỹ , các ngón tay còn nguyên mầu sơn lem nhem , uống cafe như một đứa trẻ ăn loại kẹo ưa dùng - không phải món xa xỉ . 
Bác gợi chuyện viết lách . 
- Em viết được nhiều chưa ?
- Dạ , cháu chỉ là kiến giả thôi ( cười hềnh hệch chữa thẹn )
- Thế à ? Không viết cho vui ?
- Dạ , cháu bận bịu linh tinh chuyện , cháu nghĩ nếu theo được và say mê thì đến kỳ cùng hẵng viết .Còn như cháu suốt ngày làm việc này việc nọ , việc trường lớp , e là không đến nơi đến chốn .
- Thế Linh ( sau khi đã hỏi biết tên ) làm nghề gì ?
- Dạ , cháu giáo viên .Chỉ thi thoảng lên Ngõ Hạnh quan sát anh em viết lách tập tành .Vì cháu nghĩ thư pháp không phải họa , mặc dù cái phong thái người khác nhìn vào tưởng vậy , nhưng thực đó là nghệ thuật viết chữ hẳn hòi .
- Ùhm .
- Như người ta thích thú thư pháp , ngỡ người cầm cọ đưa đưa quẹt quẹt , một chút hoa tay và khiếu vẽ vời , là thành chữ , họ nhầm .Cái ấy khó cực .Riêng việc cầm được cây cọ đúng thế , ngộ ra được cái tâm của chữ , chứ có người tập nét xổ để đặng có khi cả tháng vẫn còn run tay .
- Nói như thế , tức là Linh từng cầm bút rồi chứ ?
- Ô , cháu chưa hề đâu .Cháu thực chỉ quan sát thôi .
- Nhưng chắc cũng có 1 ít chứ nhỉ ? Nói được như thế thì cũng từng viết , không thì nên theo đi , sẽ được đấy .
- Thật đấy ạ .Cháu không biết cả cách cầm bút cơ mà .Nhưng xem và nghe nhiều , cũng ngộ ra chút chút trong môn nghệ thuật này .
- Ùh , thật ra mà nói thì thư pháp Việt là khó .Một người biết viết , viết nhiều , như chú cũng chẳng tìm được bức ưng ý .( Mình nghĩ bác ấy nói đến tuyệt tác của người chơi nghệ thuật lúc xuất thần thực sự ) .Còn như chữ Hán , thì nó lại có ...cái ...
- ..Chữ Hán có sẵn cái thế rồi ạ .
- Ùh , phải cái thế ấy phát sinh và phù hợp với kiểu thư pháp .Nếu nói thư pháp là phương pháp viết chữ đi , thì từ tiếng Anh tiếng Mỹ cũng chơi láng được vậy .Nói gì chữ Việt mình ..
- Vâng , chữ Việt mình phông chữ La tinh .
- Ùhm , nó còn có dấu này nọ , cái khuôn chữ Việt để viết thực khó đấy .Lại còn thêm phần bố cục nữa chứ .



Chao ! Thà là một người không biết được cái khó , mặc dầu đang đâm đầu vào , nhiêu khi " điếc không sợ súng " lại sinh ra thành công .Còn như Ta , thấy được cái khó ấy , ướm thử vào khả năng và lòng say mê cỏn con của mình , Ta thấy không kham được .Rồi Ta dở ương ? 
Cho nên , vì sao giờ phút này Ta vẫn chưa cho phép mình đụng vào bút là như vậy .



*



Quay lại khoảnh sân phía trước nhà kho , gió nhiều , và lá cứ thi nhau tí tớn xô đẩy nhau trên cây , cũng làm đụng chạm tự ái của những nàng thư pháp mảnh dẻ treo suông dưới này . 
Bạn có biết không ? 
Đối với người " xem " thư pháp và người " quan sát " chữ khác nhau chỗ nào ? 
Người xem , thường không thích , hay thích trước bức thư pháp - phần lớn là thích - bởi sự lạ của nó , nó dị so với chữ họ viết trên tập hằng ngày .Thêm vào đó , họ thấy khó hiểu , tìm tòi cho ra chữ ấy đọc làm sao .Họ thấy mực tầu , thấy bút lông , thấy bức mành ...mà nếu họ biết " thưởng thức " - hay chỉ giản đơn là đứng nhìn thật lâu thì hẳn họ cũng trở thành một người thuộc giai tầng của giới nghệ thuật , có tác phong sâu sắc . 
Còn với người quan sát , họ thuộc các bước căn bản của nét sổ nét hoành trong những chữ nhấn , cho nên họ tìm xem ở mỗi chữ , cái giai đoạn khởi bút có thực có thần ? Nét thanh đậm có thực lần luột ? Nét xước có thực căn cơ nơi bàn tay nghệ sỹ tao luyện ? Bố cục có tư thế vần vũ hay khảng khái ...Rồi mới đến cái khoản câu ấy đọc ra sao .Cho nên họ có thể bỏ qua cái thích thú mơn trớn bình thường ban đầu do mới lạ và khó hiểu tạo nên của người ngoại đạo .



Những bức thư pháp của các vùng lân cận được treo thành hàng tăm tắp trên bức vách ngăn và cánh cửa lưới lớn của gian nhà kho .Để quan sát trước .Chưa nhiều lắm .Qua loa bên ngoài bởi cái nhìn đầu tiên , Ta nghĩ : Mình giải trí bằng nghệ thuật một tí .Nhưng không ngờ dừng lại lâu như thế ... 




Ta xin đọc hai câu của Thăng Anh trước , mặc dù nhìn thấy sau cùng : 
" Mòn chân khắp nẻo đường trần
Vẫn chưa góp đủ thanh xuân trao người " 
Ngộ làm sao , những nét đầm đầm kề cận nhau , thậm chí là những nét liền nhau của chữ , tựa hồ mỗi lần đưa tay dứt nét thì nét tiếp theo cái dáng vẻ cũng sẽ theo khuôn ấy mà hành .Y chang như vậy , nó đều quá , cứ đầy đầy , vạnh vạnh , đôi chỗ viết tháu thì có khác .Tức là , một người trong nghề tinh ý đến mấy , cũng sẽ gặp khó khăn trong việc tìm sao cho thấy nét thanh nét đậm , nét âm nét dương , kiểu như thế này : 



Nó làm tôi tưởng đến chữ La Tinh thuần Việt thứ thật .Không lẫn được .Còn thư pháp . mạn phép sẽ bàn vào những bức sau tôi thấy bên ngoài kia .


Có một người đáng chú ý , do gửi rất nhiều , có lẽ là nhiều nhất trong số tôi đọc qua . 
Bùi Tri ( không biết có chính xác chưa ?) không biết có phải vì đã lỡ chọn một kiểu mành và chất giấy duy nhất , nên khiến cho bố cục cũng ...duy nhất một kiểu hay không .Chỉ cần nhìn vào , lần đầu sẽ bị ấn tượng , lần hai nhìn bức khác chỗ khác sẽ biết ngay cùng 1 tác giả . 
Ấn tượng vì sao ? 
Bùi Tri rất tập trung cho chủ đề mùa xuân , nên ở hầu hết các bức đều có chữ Xuân , đặc biệt hơn chữ này dù ở đầu hay giữa , đều được hoành rất dữ dội .Thể hiện ở nét xước , chiếm đến gần quá 2/3 nét chữ , tức là chỉ có khởi bút vết chấm đầu tiên của chữ X và thu bút ở vết dừng cuối chữ là đậm , là có mực ...Còn đoạn giữa , nét xước phần lớn do giấy bồi hỗ tạo nên . Hãy tưởng đến một cô gái xuân mảnh khảnh cách điệu với một cặp chân ...vòng kiềng mà xem . 
... 
" Vũ trụ xoay vần đông lại Xuân
Phiêu du mòn gót khách phong tRần " 
Chữ V , X chiếm phần lớn không gian của bức mành .So với các nguyên âm khác , như cá to đứng cạnh cá con.Riêng chữ R thì là một chữ hoàn toàn 1 nét liền mạch , không luyến cọ .Giản dị .



Ưng hơn cả là một số bức của Minh Thư .Có cả thư - họa , rất chú ý phối cách giữa hai yếu tố .Nhưng dường có lẽ trong tâm chỉ có một chủ ý giản đơn : Thư đề cập điều gì , họa sẽ vẽ điều đó .Khi thấy rõ quá , dễ giải mà hiểu được , làm khô mất dáng nho nhã của chữ , kém cái hồn thư pháp mà cảnh lại thành ra riêng tư ngoại cảm . 



NGUYỆT - HOA
Nguyệt hoa - hoa nguyệt não nùng
Đêm xuân ai dễ cầm lòng được chăng . 
Ngõ hầu bố trí một mặt trăng mờ tỏa ánh chì đen khuất lấp bởi nhánh tùng , ấy là phải lắm , tiếc rằng tán tùng chưa đủ độ già , để toát nên khí khái vĩnh hằng của vật . 
Một nhành tùng be bé xinh xinh , lá mọc cố ý sun lấy gần nửa khuôn trăng .Trong khi đó lại cách xa diệu vợi chùm hoa phía dưới .Một tập hợp các loài hoa , có thể một bé gái đã ra vườn và chọn ngẫu nhiên những bông hoa to mà cô bé cho là đẹp .Sau nữa vì thấy thiêu thiếu giữa những đóa vĩ đại , hay tại phần vui mắt bất phát ý thích vài bông hoa mấn nhỏ trắng , cô với tay bứt lấy , và gộp luôn vào bó hoa ban đầu cô chọn lọc đầy tay . 
Sự này làm tôi nhớ đến tâm hồn và kiến thức quen thuộc của một ông thầy dạy vẽ xưa kia .



TƠ LIỄU
Lơ thơ tơ liễu buông mành
Con oanh học nói trên cành mỉa mai . 
Duy một nhánh liễu thò ra phía tả bức mành .Làm điểm phát xuất một vệt chì , dài , mảnh vốn tậu chỗ đứng cho một chú oanh xíu xiu " học nói mỉa mai " đậu cứng cáp trên ngọn vệt chì ấy chơi vơi , ấy mà vệt ấy không hề nao núng cúi đầu ... Cảnh rất bé , yểu điệu và thướt tha .Đuôi của những con chữ được chuốt cong và vung vẩy cho xứng với liễu , song - thân chữ lại được đồ cho no đủ , đầy đặn . 



Bác Lê Duy từng bảo , thư - họa coi vậy mà khó lắm nhe .Có người vẽ trước , viết sau - có kẻ ngược lại .Nhưng dầu thế nào cũng phải kết hợp sao cho hài hòa , vừa vặn , là điều chưa mấy ai thật đạt ý .Khi ta viết trước , cứ cho cái hồn chữ nó phóng túng đi , có khi đến lúc vẽ , lại không thể hiện hết khí khái chữ. Hư mất .Khi vẽ trước , ta mải mê chăm chút cho hoa cho cảnh , đến lúc hoàn tất , cầm cọ lên viết thì cảnh ăn mất cả phần của chữ .Nên rất nhiều trường hợp thư - họa không ăn nhập với nhau .






Thư - họa của Minh thư , thì ít nhiều tránh được điều nầy .Nhưng khập khiễng của tác phẩm lại rơi vào phần " khô " trong nét vẽ .



Đức Tài , chơi một lối độc tấu .Chỉ gửi đâu như 2 , hay 3 bức .Nhưng to , và đậm đà , tựa Hán tự .Cho nên , không thể bắt bẻ rằng ta không thấy nét luyến lượn của chữ ở đâu .Bởi đã chọn một cách viết Đại tự , đồ lớp , và tậu một không gian có bề nổi bề dầy cho con chữ .Cân .Và có khí phách .Song lại kém phối tác phong kiểu chữ này với nội dung " Từ khi trăng là nguyệt " .



Một ấn tượng tốt đẹp tự phất giành cho tác giả Nguyễn Đình Phi .Vì sao , thì hẵng gượm nhớ lại vài điều ông gửi gắm trong tác phẩm lần này .
Hẹn !


                                                                                               http://ttvnol.com/dongnai/859211/page-8

1 nhận xét:

  1. Không nhớ hôm giao lưu với AE Ngõ Hạnh năm nào nhỉ ????

    Trả lờiXóa